Cái này là lý thuyết triết học yoga mà ai trong nghề này cũng biết: Yoga không phải là môn thể dục, yoga là một lối sống. Tuy nhiên, với những người tập luyện bình thường thì yoga chỉ đơn giản là môn thể dục giúp họ trẻ, khỏe, dẻo dai… Vậy làm sao để những người này hiểu rõ, yoga là một lối sống?
Hãy bắt đầu từ những điều cơ bản nhất của việc tập luyện nhé. Mục đích của việc tập luyện yoga là để cân bằng thân – tâm – trí.
Thân
Thân là thân thể, là cơ thể, là hình dáng mà bạn có thể nhìn thấy, có thể sờ nắm. Thân là thứ mà người ngoài nhìn vào bảo là bạn mập hay ốm, cao hay thấp, đen hay trắng… Cân bằng thân thì dễ rồi. Mỗi ngày đều đặn đổ mồ hôi trên thảm tập thì bạn cũng sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, bền bĩ.
Thân được luyện tập qua các thế (asana) kết hợp hít thở (pranayama) và được hỗ trợ của các huấn luyện viên. Thậm chí, không cần phải yoga, chỉ cần luyện tập gym đều đặn thì cũng luyện được thân.
Tâm
Tâm là tâm hồn, tâm trí. Tâm là “phiên bản vô hình” của cơ thể. Luyện tập cho tâm khó hơn vì “tâm” không dễ dàng thấy được bằng mắt thường để có thể chỉnh sửa. Tâm lại càng không thể luyện tập trên thảm mỗi ngày. Tâm phải luyện tập bằng sự cảm nhận của cá nhân, bằng trái tim, hàng giờ, hàng phút trong cuộc sống, và không ai có thể hỗ trợ bạn.
Hãy cụ thể hóa để chúng ta dễ hiểu hơn: khi gặp một việc bực mình trong cuộc sống, thay vì la hét, chửi bới, hãy điềm tĩnh, suy xét, ngẫm nghĩ. Việc này sẽ tập cho bạn thói quen điềm đạm, dẫn đến cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn, khi bị sếp mắng, hãy bình tĩnh lắng nghe, tiếp nhận, khoan vội phán xét. Ngay lúc ấy, cho dù bạn có làm đúng, nhưng cãi lại sếp thì càng “gây họa” cho cả hai. Hãy chọn thời điểm đúng lúc để chia sẻ với sếp.
Chẳng hạn, vợ hoặc chồng làm bạn nóng giận, hãy bình tĩnh, nhường nhịn người kia. Ông bà ta đã nói “một điều nhịn là chín điều lành” không phải là không có lý do.
Chẳng hạn, con của bạn hôm nay chỉ được điểm 5 môn Toán chứ không phải điểm 10 như những môn khác. Thay vì la mắng con, hãy bình tĩnh, suy xét và chọn thời điểm thích hợp hơn để hỏi thăm con.
Những điều này nghe chừng như vô lý bởi vì trong lúc nóng giận như thế thì sao bình tĩnh được. Tuy nhiên, tập luyện để cái “tâm” luôn “tịnh” trong những tình huống này sẽ giúp bạn đối phó tốt hơn với những tình huống tệ hại hơn như tai nạn, phá sản, mất mát…
Trí
Trí là trí tuệ, cao hơn nữa là trí huệ. Qua được “ngưỡng” Tâm là bạn có thể tập luyện để cân bằng Trí. Một khi “Trí” được cân bằng, bạn sẽ trở nên minh mẫn, sáng suốt, luôn có những quyết định, những hành động đúng đắn, chừng mực. Cao hơn nữa, khi đến được sự cân bằng Trí, bạn sẽ thấy cuộc sống này là “vô thường”.
Tóm lại, đã tập yoga rồi thì tập từ trong phòng ra ngoài đường, tập từ câu lạc bộ đến nhà, văn phòng, cơ quan, tập từ sáng đến tối, tập từ chợ đến phố… Không phải là chổ nào cũng chổng đầu xuống, mà chổ nào cũng phải dùng cái đầu để điều khiển hành động.
Hãy luyện tập mỗi ngày để cân bằng Thân – Tâm – Trí, để người khác nhìn vào thấy bạn không chỉ có một cơ thể khỏe mạnh mà còn thấy được gương mặt, thần thái bạn luôn tươi, trẻ và trí của bạn luôn minh mẫn, sáng suốt.
Nhìn tui thì biết à, ha ha… (Tự tin ớn!)