Trong những ngày “bế cang tỏa cảng” ở nhà thì việc ăn uống, nấu nướng trở nên khó khăn hơn một chút. Chỉ cần nghĩ xem trữ đồ ăn loại nào, nấu gì cho tiết kiệm (mùa này thu nhập còn ít hơn nữa), đầy đủ chất cho cả gia đình, mà lại không bị tăng cân (đã ở nhà, lười tập lại còn ăn tùm lum thì xác định) cũng đau đầu. Nhà có trẻ con lại còn phải lo trữ đồ ăn vặt cho các bé.
———
Dưới đây là 5 cách để bạn ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng được chia sẻ từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (#UNICEF).
. Ưu tiên ăn trái cây và rau củ tươi
Thời gian này, mọi người hạn chế ra ngoài. Để có rau củ và trái cây tươi là một thách thức lớn. Tuy nhiên, bất cứ khi nào thuận tiện, thì bạn hãy tranh thủ mua về trữ trong tủ lạnh để trẻ có thể nạp thực phẩm nhiều vitamins và khoáng chất trong bữa ăn hàng ngày.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trữ đông trái cây, rau củ trong tủ lạnh để giữ được các dưỡng chất. Với những loại này, bạn có thể nấu một nồi súp hoặc hầm hoặc chế biến các món ăn thể ăn được trong vài ngày. Những món ăn này có thể để đông và hâm lại khi ăn.
. Khi không có đồ tươi, hãy chọn các loại đồ khô hoặc đồ đóng hộp có nhiều dưỡng chất
Thực phẩm tươi sống luôn là lựa chọn hàng đầu nhưng nếu không có sẵn thì bạn có nhiều lựa chọn khác thay thế và dễ dàng cất giữ.
Các loại đậu đóng hộp cung cấp nhiều dưỡng chất và có thể bảo quản trong hàng tháng, có khi đến cả năm. Chúng có thể chế biến được khá nhiều loại món ăn ngon đó.
Các loại cá đóng hộp như cá mòi, cá thu, cá hồi giàu protein, axit béo omega-3 và hàng loạt vitamin khoáng chất khác. Bạn có thể ăn cùng với các loại sandwich, salad hoặc đơn giản là hâm nóng lên để ăn như một món ăn trong bữa chính.
Các loại rau củ đóng hộp như cà chua tuy chứa hàm lượng vitamin thấp hơn những loại rau củ tươi nhưng vẫn sẽ là lựa chọn tốt khi các sản phẩm rau đông lạnh và rau tươi khan hiếm.
Các loại thực phẩm khô như đậu khô, ngũ cốc, đậu Hà Lan, yến mạch… cũng là lựa chọn bổ dưỡng, giá cả hợp lý và có thể trữ lâu.
. Trữ sẵn đồ ăn vặt lành mạnh cho trẻ
Trẻ em thường cần một đến hai bữa ăn nhẹ hàng ngày. Thay vì ăn những món ăn mặn hoặc ngọt, hãy chọn những loại thức ăn vặt tốt cho sức khỏe như các loại hạt, phô-mai, sữa chua (tốt nhất là loại không đường), trái cây sắt nhỏ hoặc sấy khô, trứng luộc…
Những loại thực phẩm này không chỉ nhiều dưỡng chất, đủ no mà còn giúp bé xây dựng được thói quen ăn uống lạnh mạnh lâu dài.
. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn
Mặc dù thực phẩm tươi sống khó có sẵn nhưng cũng không vì thế mà bạn dùng nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Những loại này chứa nhiều chất béo bão hòa, đường, muối. Nếu phải mua những loại thực phẩm chế biến sẵn thì hãy đọc kỹ nhãn mác và chọn những loại có chứa ít các chất này.
Bạn cũng nên hạn chế những loại thức uống có đường. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước. Bạn cũng có thể thêm một vài lát chanh, lát dưa chuột hoặc quả mọng nước vào để tạo thêm vị.
. Hãy nấu ăn và ăn cùng nhau
Nấu và ăn cùng nhau là một trong những cách tuyệt vời để tạo thói quen ăn uống lành mạnh và tăng cường mối liên kết gia đình. Nấu ăn cùng nhau sẽ giúp những đứa trẻ nhà bạn biết cách phụ bố mẹ chuẩn bị đồ ăn.
Cùng nhau nấu ăn ở nhà có thể giúp giảm lo lắng cho trẻ trong tình trạng căng thẳng này.