Để đạt được một mục tiêu sức khỏe, chẳng hạn giảm cân, chúng ta thường cắt bỏ hoàn toàn lượng đường nhân tạo trong các bữa ăn. Thực sự có cần thiết không? Đường nhân tạo có thực sự xấu cho sức khỏe?
Tất cả các loại đường dù là đường công nghiệp như đường ăn hay đường tự nhiên đường trái cây, mật… khi vào cơ thể đều có chung một nhiệm vụ như nhau: tham gia vào quá trình trao đổi chất và dẫn đến sự hình thành acetyl-CoA. Acetyl-CoA được sử dụng để tạo ra năng lượng (ATP) cho cơ thể, hình thành thể xeton, tổng hợp axit béo hoặc tổng hợp cholesterol. Nhiệm vụ acetyl-CoA phụ thuộc vào mức năng lượng .
Tóm lại là đường nào vào cơ thể thì cũng có một sứ mệnh như nhau.
Bạn có thể sẽ phản biện rằng “tôi đã thực sự giảm cân nhờ cắt bỏ đường mà”. Thực tế thì bạn giảm cân nhờ giảm lượng calo nạp vào, trong đó có cả calo từ đường, chứ cắt đường thôi thì không chắc giảm được.
Hoặc bạn cũng sẽ thắc mắc: “Nói thế thì đường trong socola cũng giống đường trong trái cây à?”. Thực tế là đúng vậy. Chỉ khác là ngoài đường thì trái cây còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ. Chất xơ giúp chậm quá trình tiêu hóa, hạn chế tăng đường huyết và insulin sau khi bạn nạp thực phẩm chứa tinh bột. Ngoài ra, trái cây và rau cũng khiến bạn no và chúng chứa ít calo.
Ngược lại, những thực phẩm bổ sung như bánh kẹo, socola thì thường ngon miệng, nhiều calo và ít chất dinh dưỡng hơn. Đường ở trong các loại thực phẩm này không có hại mà nó phụ thuộc vào cách chế biến và lượng bạn nạp.
Để đạt mục tiêu sức khỏe, nhiều người có xu hướng loại bỏ các thực phẩm mà họ cho rằng không tốt cho sức khỏe, ví dụ như đường. Thực tế thì không có một loại thực phẩm hay thức ăn nào quá tốt hay quá xấu cho sức khỏe cả. Vấn đề là bạn cần điều chỉnh liều lượng để phù hợp với cơ thể và kết hợp tập luyện để giảm bớt lượng mỡ thừa.
Chia sẻ ý kiến của bạn về vấn đề trên nhé.