Đối với người tập luyện thể thao thì chấn thương là khó tránh khỏi. Nhưng không vì thế mà bỏ tập luyện. Hiểu được bản chất, nguyên nhân của chấn thương thì sẽ tìm được cách khắc phục và duy trì tập luyện.
Trong các chấn thương thường gặp thì đau cột sống thắt lưng (đau lưng dưới) là phổ biến. Hãy tìm hiểu thêm thông tin về triệu chứng này nhé.
ĐAU THẮT LƯNG DƯỚI LÀ GÌ?
Đau thắt lưng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do vùng cơ xung quanh cột sống hoạt động quá mức trong tập luyện, do tổn thương nghiêm trọng của các đĩa đệm, hoặc do các chấn thương nặng đến đĩa đệm. Hiện tượng gãy, nứt cột sống do tập tạ thường không phổ biến, nhưng cũng có xảy ra, bao gồm cả dạng nứt xương mãn tính gọi là thoái hóa cột sống và dạng gãy xương cấp tính của một trong các đốt sống.
YẾU TỐ RỦI RO
Một số yếu tố rủi ro dẫn đến chứng đau lưng dưới bao gồm sai tư thế của lưng trong các bài nâng tạ, trọng lượng tạ lớn khiến vùng cơ trung tâm (core) không thể giữ vững, những vấn đề cột sống đã có trước khi tập, và cả những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Những người làm công việc ngồi lâu hoặc mang vác nặng thường có nguy cơ bị đau thắt lưng cao.
Trong quá trình nâng tạ, nếu bạn sử dụng tạ quá nặng, hoặc vùng lưng bị cong thì bạn sẽ dễ bị đau lưng. Vài dấu hiệu khi gặp đau lưng gồm đau dữ dội, không ngừng, mất khả năng vận động cơ chân, khó kiểm soát chức năng đường ruột/bàng quang. Cơn đau chạy từ phía đùi sau đến bắp chân thường là dấu hiệu kích thích của dây thần kinh hông nhưng cũng có thể do sự co thắt cơ vùng lưng dưới và cơ mông.
LỜI KHUYÊN
Việc tập luyện khi gặp chấn thương vùng thắt lưng cần kế hoạch bài bản và nghiêm ngặt, thường chia làm 3 giai đoạn:
– Giai đoạn sưng viêm (chấn thương đã ổn định): các chấn thương cơ xương thường có giai đoạn này kéo dài từ 5 ngày đến 7 ngày. Trong thời gian này, bạn nên tránh các bài Romanian Deadlifts (RDL), overhead squats, squats với tạ nặng, và các bài tập dạng chuyển động vặn xoắn.
– Giai đoạn hồi phục (các tế bào mô mới bắt đầu hình thành): thường kéo dài từ sau giai đoạn trên cho đến khoảng 2 tháng. Trong thời gian này thì các bài tập RDL với trọng lượng nhẹ là có thể chấp nhận, tránh các bài good morning và các bài theo phong cách Olympics như hand/power clean.
– Giai đoạn sửa đổi (sản xuất collagen dạng 1): thường kéo dài từ 2-4 tháng cho tới 1 năm. Trong thời gian này thì bạn nên bổ sung các bài tập good morning, từ từ nâng tạ trong bài trong squats và kết hợp với các bài Olympic.
Để tránh chấn thương, tốt nhất là nên tập luyện đúng tư thế, đúng phom dáng.