Ai cũng biết, thiếu ngủ thì cơ thể sẽ lờ đờ, vật vờ, sẽ ảnh hưởng tới nhận thức cũng như rối loạn thể chất. Vậy ngủ bao nhiêu cho khỏi thiếu?
Phải nói ngay là không có một công thức chung nào cho giấc ngủ từng người cả. Mỗi người có một thể trạng, một thói quen, một lối sống khác nhau. Nếu bạn thấy ngủ chưa đủ, hãy thử tăng/giảm thời gian ngủ trong khoảng 1-2 tuần, quan sát cơ thể, rồi sẽ biết được cơ thể mình cần ngủ bao nhiêu.
Dưới đây là đề xuất chung về thời gian ngủ, nhưng không nhất thiết phải ngủ như đề xuất. Nếu bạn ngủ ít hơn nhưng vẫn đủ năng lượng để làm việc, sinh hoạt thì không vấn đề gì cả. Còn nếu bạn ngủ đúng thời gian như đề xuất mà vẫn vật vờ thì hãy ngủ thêm. Đó là dấu hiệu cơ thể cần thêm nghỉ ngơi.
- Ngủ từ 0 đến 3 tiếng: Bạn sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải. Làm việc thiếu năng suất và sự tập trung. Cơ không đủ thời gian phục hồi.
- Ngủ từ 4 đến 6 tiếng: Bạn sẽ cảm thấy ở trong tình trạng lảo đảo, mờ hồ. Làm việc có năng suất nhưng hạn chế. Thời gian này cũng không đủ để cơ phục hồi.
- Ngủ từ 7 đến 9 tiếng: Bạn sẽ cảm thấy cơ thể ở trong trạng thái tốt nhất, làm việc có năng suất nhất và hiệu quả nhất. Đây là khoảng thời gian đủ để cơ được phục hồi.
Thời gian ngủ theo từng độ tuổi
Ngoài đề xuất như trên, bạn cũng nên tham khảo thêm thời gian ngủ cho từng độ tuổi. Mỗi độ tuổi nên có thời gian ngủ trung bình hợp lý. Trong thực tế, bạn có thể ngủ nhiều hơn chút, hoặc ít hơn chút. Nếu cơ thể cảm thấy khỏe sau khi ngủ dậy thì thời lượng ngủ không quan trọng bằng chất lượng ngủ.
Nếu thời gian qua bạn thức dậy mệt mỏi thì có thể đó là dấu hiệu thiếu ngủ. Bạn thử ngủ đủ thời gian như đề xuất theo độ tuổi xem sao nhé.
Trẻ sơ sinh (0 – 2 tháng): 12 – 18 tiếng/ngày
Trẻ nhỏ (3 – 12 tháng): 14 – 15 tiếng
Trẻ biết đi (1 – 3 tuổi): 12 – 14 tiếng
Trẻ mẫu giáo (3 – 5 tuổi): 11 – 13 tiếng
Trẻ tuổi đi học (5 – 12 tuổi): 10 – 11 tiếng
Trẻ vị thành niên (12 – 18 tuổi): 8.5 – 10 tiếng
Người lớn: 7.5 – 9 tiếng