Sáu biện hộ phổ biến của việc lười vận động

Nói chuyện tập luyện, vận động, tui hay được hỏi mấy câu đại loại là sao có thời gian tập hay vậy, sao nhiều tiền vậy, tập chi nhiều vậy… Rồi khi tui chia sẻ xong thì than thở và biện hộ đủ thứ cho việc không thể tập.

1. KHÔNG CÓ THỜI GIAN – Lời biện hộ phổ biến nhất

Ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày. Tui đâu có hơn ai một giây nào đâu. Vấn đề là cần biết sắp xếp lại thời gian và lựa chọn hoạt động phù hợp. Thậm chí cần phải “hy sinh” cái này để làm cái khác.

  • Có ngủ nhiều quá không? Kiểu như 8, 9 tiếng một ngày? Bớt ngủ lại chừng 30 phút hay 1 tiếng.
  • Có dùng Facebook nhiều quá không? Khoản này chắc chiếm nhiều thời gian nhất nè. Bỏ bớt Facebook đi.
  • Có thường xuyên tụ tập bạn bè không? Giảm bớt đi.
  • Giờ làm việc có tập trung làm thật sự không, hay lang thang internet và làm chuyện khác? Tập trung vào đi, xong việc sớm, khỏi làm tăng giờ, có thêm thời gian.
  • Cuối tuần có phải làm nhiều việc không? Nếu không thì dành 1 tiếng cho bản thân đi.
  • Tập mỗi ngày 1 tiếng được không? Nếu không thì 30 phút, 15 phút. Nếu không nữa thì hai ngày tập một lần.
  • Mẹ bỉm sữa đưa đón con đi học thì tranh thủ giờ trưa hoặc giờ sáng sau khi con đi học.

Tóm lại là kiểu gì cũng có thể “lòi” ra được 45 – 60 phút cho việc luyện tập & vận động thể thao.

 2. KHÔNG CÓ TIỀN – Lời biện hộ sai lầm nhất

Tui có tí điều kiện thì tui tập ở các phòng tập lớn, tốn tiền. (Mà thật ra tính theo tháng thì chả bao nhiêu cả). Bạn không có nhiều tiền thì tìm các phòng tập, câu lạc bộ nhỏ hơn. Còn không thì… công viên đầy ra đấy. Tốn tí xíu tiền mua đôi giày chạy bộ và tiền gởi xe thôi. Ra đó chạy đi. Không thích công viên thì cứ chạy quanh khu phố.

Hoặc nếu có xe đạp thì cứ đạp xe lòng vòng.

Hay rủ bạn chơi cầu lông, bóng chuyền. Bộ vợt cũng không cần mua loại quá mắc.

Hoặc đi bơi. Tốn vé bơi, bộ đồ bơi, tiền gởi xe. Không bao nhiêu cả.

Hoặc không cần đi đâu cả, cứ ở nhà, tập các tư thế, động tác không cần dụng cụ. Hoặc mua vài cục tạ, dây nhảy rồi tập luôn tại nhà, khỏi ra đường tốn xăng, tốn tiền gởi xe.

Nói chung có hàng tá hoạt động không tốn tiền hoặc tốn rất ít tiền.

 3. KHÔNG PHÙ HỢP – Lời biện hộ lười biếng nhất

Tập yoga buồn ngủ hả? Múa cột đi!
Không thích chạy bộ hả? Chạy xe đạp đi!
Sợ nước không tập bơi hả? Tập tạ đi!
Vác tạ không nổi hả? Nhảy dây đi!

Nói chung tìm môn nào mà hợp đấy. Đừng lấy lý do môn này môn kia không hợp rồi biện hộ cho việc mình không tập luyện.

4. CÓ VẤN ĐỀ SỨC KHỎE – Lời biện hộ trông-có-vẻ dễ cảm thông nhất

Một biện hộ nghe qua có vẻ như dễ cảm thông nhưng thực sự cũng không thông cảm được. Đúng là khi có một số vấn đề liên quan đến sức khỏe như lệch / đau cột sống, đau tim, tiền đình, yếu tay / chân (do tai nạn trong quá khứ chẳng hạn)… thì không hoặc hạn chế tập một số môn thể thao vận động nào đó. Điều này không có nghĩa là không được phép tập. Tìm môn yêu thích & phù hợp.

Phần lớn các môn tập luyện còn giúp cải thiện hoặc khắc phục các vấn đề sức khỏe này. Nếu không tập luyện thì không bao giờ khỏe cả.

5. TẬP MỘT MÌNH BUỒN – Lời biện hộ yếu ớt nhất

Đúng là không có bạn tập chung cũng buồn. Tui nào giờ tập một mình quen rùi, nên có thêm người thành ra thấy vướng vướng. Có bạn thì tất nhiên là có động lực hơn, đặc biệt là mấy môn tập đôi như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, hoặc cử tạ (có người hỗ trợ)…

Nhưng không vì thiếu một người tập chung mà bỏ luôn việc tập luyện. Cứ đi, biết đâu lại gặp những người khác “cùng chí hướng”.

6. TẬP CHO LẮM RỒI CŨNG… CHẾT – Lời biện hộ “bó giò” nhất

Cái kiểu suy nghĩ sinh – lão – bệnh – tử, dù tập hay không tập rồi cũng chết là suy nghĩ hết hướng giải quyết. Nhưng mà nếu bạn tập luyện, đặc biệt là các môn liên quan đến khí như thiền, yoga, khí công… thì khi chết, bạn cũng được chết nhẹ nhàng và đẹp đẽ. (Cái này mình có biết nhưng chưa nghiên cứu đủ sâu để chia sẻ đúng đắn).

—–
Tóm lại, các vấn đề trên đều có hướng giải quyết. Vấn đề là chúng ta QUÁ LƯỜI để nhấc cái thân ra ngoài và tập luyện. Đó là sự khác biệt duy nhất giữa những người tập luyện và không tập luyện.

Mấy gái Stella đã chịu đi tập, không biết vì mấy gái tự nhận thức được hay vì bà sếp suốt ngày lải nhải tập với chả luyện.

À, nếu lười tập luyện quá thì chịu khó vận động cơ thể đơn giản thế này đi:

  • Đứng dậy hoặc đi lòng vòng sau khi ăn, thay vì ngồi ngay vào bàn làm việc coi phim, duyệt web.
  • Thỉnh thoảng đứng dậy, vươn vai, duỗi mình trong quá trình làm việc để máu lưu thông tốt hơn và trí óc thoải mái hơn.
  • Đi thang bộ nhiều hơn thang máy.
  • Đi bộ nếu điểm đến không quá xa. Đừng chạy xe.
  • Luôn giữ thẳng lưng (khi làm việc, đi bộ, chạy xe, nhặt đồ, xách đồ…) để không gặp các vấn đề về cột sống.

Bửa nào rảnh nói chuyện tập luyện và ăn uống của mình. Đọc xong share cho cái lấy động lực hoặc like cho cái kiểu như “tui thấy rùi” (còn “tui có đọc rồi” hay không thì không biết, he he…)

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

7 bài tập giúp giảm căng thẳng

7 bài tập giúp giảm căng thẳng

Tâm trí và cơ thể gắn kết, liên kết mật thiết với nhau. Căng thẳng về tinh thần thì sẽ khiến cơ bắp của bạn bị căng cứng, khiến bạn càng khó chịu hơn.

7 sai lầm phổ biến của người mới bắt đầu tập gym

7 sai lầm phổ biến của người mới bắt đầu tập gym

Bạn đã bắt đầu tập gym một thời gian ngắn. Có khi nào bạn tự hỏi tại sao mình tập được một thời gian rồi mà vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn có thể đã mắc một hoặc các sai lầm phổ biến bên dưới.

5 mẹo duy trì sự tập trung khi tập gym

5 mẹo duy trì sự tập trung khi tập gym

Duy trì sự tập trung trong phòng tập là một trong những nguyên tắc để đạt được mục tiêu. Nhưng trong phòng tập thường có nhiều yếu tố khiến bạn mất tập trung, lơ đãng như tiếng nhạc ồn ào, tiếng khiêu vũ, tiếng quảng cáo trên màn hình hoặc những chiếc iPad, điện thoại xinh xinh cũng khiến bạn sao nhãng.

Không tập bao lâu thì bị mất cơ?

Không tập bao lâu thì bị mất cơ?

Dù tập luyện nghiêm túc thì cũng có lúc bạn phải tạm dừng việc tập một thời gian vì một số lý do như căng thẳng, ốm đau, chấn thương, du lịch… Khi nghỉ tập, ai cũng có tâm lý lo lắng mất lượng cơ mà mình đã mất công xây dựng bao lâu.