Chấn thương là vấn đề rất dễ gặp trong tập luyện, nhất là với những người mới bắt đầu. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta bỏ tập luyện vì những chấn thương. Tập luyện mang lại nhiều lợi ích cho thể chất và tinh thần. Vì thế, thay vì sợ hãi và tránh né, bạn hãy thực hiện những cách giúp hạn chế chấn thương nhé.
. Khám bệnh và kiểm tra thể lực thường xuyên
Nếu bạn đang có sẵn một số vấn đề về sức khỏe như các bệnh lý về tim mạch, đau/viêm khớp, tiểu đường… thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gia trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện. Nếu không, việc tập luyện của bạn có thể gây nguy hiểm cho cơ thể, sức khỏe.
Còn nếu bạn không có vấn đề bệnh lý thì cần một buổi kiểm tra thể lực trước khi bắt đầu chương trình và những buổi kiểm tra định kỳ trong suốt quá trình tập luyện. Việc này giúp phát hiện những điểm yếu về thể lực của bạn như sức mạnh cơ bắp, tim mạch, sự thăng bằng hay độ linh hoạt của khớp. Từ đó, bạn chọn được chương trình tập luyện phù hợp.
. Tập luyện cùng một huấn luyện viên cá nhân
Với những bạn mới bắt đầu, đây là giải pháp cần thiết. Huấn luyện viên sẽ giúp thiết kế chương trình tập luyện phù hợp cho riêng bạn dựa trên sức khỏe, bệnh lý (nếu có), cơ địa, khả năng… của bạn. Họ còn giúp bạn hiểu thêm về kỹ thuật, bài tập, lợi ích, chuẩn bị cho bạn những kiến thức và thực hành để sau này bạn tự tập mà không gây chấn thương.
. Bắt đầu chậm rồi tăng dần đều
Những người mới bắt đầu tập luyện thường nôn nóng hoặc không biết bắt đầu như thế nào, dẫn đến việc tập luyện quá sức, gây chấn thương cho cơ thể. Hãy bắt đầu với cường độ nhẹ, thời gian ngắn (20-30 phút), ít lần trong tuần (2-3 lần) rồi tăng dần lên. Đừng vội vàng nếu bạn chưa làm đúng kỹ thuật, chưa nắm vững các bài tập. Vì như thế, bạn sẽ gặp chấn thương trước khi được hưởng các lợi ích từ tập luyện.
. Khởi động trước khi vào bài tập chính
Đây là vấn đề thường gặp không chỉ với những người mới mà còn những người đã tập lâu năm. Những người này thường chủ quan rằng mình đã tập luyện lâu nên không cần khởi động làm nóng cơ, khớp mà bắt đầu bài tập chính luôn. Việc này rất dễ gây chấn thương. Vì vậy, dù tập tạ hay tập chạy, hãy khởi động.
. Đừng để bụng đói khi tập
Cơ thể sẽ đốt năng lượng dự trữ trong quá trình bạn tập luyện, nhưng cũng không có nghĩa là bạn tập với chiếc bụng rỗng. Bạn vẫn cần cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể. Nên ăn nhẹ ít nhất 30 phút trước khi tập luyện. Uống đầy đủ nước trước khi tập, và uống ít ít trong khi tập để bù lại lượng nước mất do đổ mồ hôi.
. Mặc trang phục, giày dép phù hợp
Ai chẳng biết tập thể thao thì phải mặc đồ thể thao. Nhưng chuyện không đơn giản thế. Nếu bạn chạy bộ với đôi giày không hỗ trợ chạy bộ, bạn sẽ dễ bị đau ngón chân, đau cổ chân và cả đau gối. Nếu mặc một chiếc quần không phù hợp cho đạp xe, bạn sẽ bị đau mông. Đó là chưa kể đồ không phù hợp dù không trực tiếp gây chấn thương nhưng khiến buổi tập luyện kém hiệu quả: đồ quá chật hoặc quá rộng, không thấm hút mồ hôi, không co giãn thoải mái…
. Lắng nghe cơ thể
Tập luyện mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn tập bất chấp các dấu hiệu lên tiếng của cơ thể. Nếu bạn cảm thấy đau, nhức, mỏi, khó chịu thì hãy ngưng lại để quan sát, điều chỉnh, nghỉ ngơi, thay đổi. Lúc bạn bệnh thì cũng nên nghỉ ngơi. Đừng cố đặt thêm áp lực tập luyện lên cơ thể lúc nó đang yếu ớt.
Tập vừa phải là tốt. Tập nhiều quá sức chịu đựng của cơ thể chỉ gây ra chấn thương.
—–
Hãy yêu cơ thể mình và yêu việc tập luyện nhé!