(Bài viết về huấn luyện viên cá nhân này đã được biên tập và đăng trên báo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần số ra ngày 27/10/2017 và đăng lại trên website Doanh Nhân Plus)
Personal Trainer, hay PT, huấn luyện viên cá nhân là khái niệm quen thuộc trong ngành thể dục thể thao. Xu hướng tập luyện riêng với PT dần trở nên quen thuộc với người người Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Trước đây, PT được nhận định là dành cho những vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, cuộc sống của người dân được cải thiện, các trung tâm rèn luyện sức khỏe nở rộ, nhu cầu tập luyện với PT ngày càng tăng. Các trung tâm, câu lạc bộ sức khỏe ngoài cung cấp dịch vụ thành viên (membership), còn mở rộng thêm dịch vụ PT.
PT không chỉ giới hạn trong các trung tâm, các câu lạc bộ tập luyện mà còn mở rộng ra các khu vực khác như công viên (ví dụ, huấn luyện viên chạy bộ), hồ bơi (huấn luyện viên bơi lội), sân thể thao (huấn luyện viên tennis, bóng chuyền), thậm chí tại nhà riêng (huấn luyện viên yoga, thiền).
3 đặc điểm của PT
Huấn luyện viên cá nhân, trước tiên là một huấn luyện viên, là người có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về sức khỏe, tập luyện. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện “cần”. Điều kiện “đủ” là yếu tố cá nhân hóa chương trình tập luyện cho từng người khác nhau.
1. Kiến thức & kinh nghiệm chuyên môn
PT bắt buộc phải có một kiến thức, hiểu biết chuyên môn nhất định. PT hiểu rõ những bài tập tác động như thế nào đến cơ thể, các nhóm bài tập giúp đạt một mục tiêu nào đó, hoặc các tư thế phải chính xác về mặt kỹ thuật ra sao để không tác động xấu đến cơ thể.
PT cũng trải qua việc tập luyện khắt khe và nghiêm túc của chính bản thân trong một thời gian dài, thậm chí có khi phải trải qua tai nạn luyện tập, thì mới hiểu được rõ ràng và chính xác hiệu quả và cả hậu quả của bài tập.
Không chỉ luyện tập thể chất, PT còn hiểu biết nhất định về chế độ dinh dưỡng, các thành phần của từng món ăn. Đó là yếu tố quan trọng trong việc đạt được mục tiêu sức khỏe của khách hàng. Tập luyện mà không kết hợp với ăn uống, nghỉ ngơi thì không thể đạt hiệu quả như mong muốn.
Một điều kiện cần khác cho PT là sự hiểu về giải phẫu học để biết sự tác động của các bài tập lên cơ thể, hoặc biết những vấn đề mà khách hàng có thể gặp phải trong quá trình tập luyện như đau cơ, mỏi lưng, hít thở không đủ khí…
2. Hiểu biết về bệnh học & tâm lý học
Nghe có vẻ hơi thừa nhưng thực sự là cần thiết. PT hiểu về cơ thể học nói chung và bệnh học nói riêng. Mỗi khách hàng có một thể trạng, một sức khỏe khác nhau. Thậm chí, có những khách hàng có tiền sử bệnh như cột sống, khớp gối, di tật, huyết áp… thì PT cũng hiểu biết để thiết kế những bài tập, chế độ dinh dưỡng phù hợp để không chỉ tập luyện đạt mục tiêu sức khỏe mà cón có thể khắc phục bệnh.
Huấn luyện viên cá nhân cũng hiểu được tâm lý học để có thể động viên, khuyến khích, thậm chí ép buộc khách hàng để mang lại hiệu quả cho họ.
3. Biết giao tiếp và tạo động lực
Đây là một yếu tố thành công của PT. Một PT có thể có kiến thức chuyên môn, có hiểu biết nhất định, nhưng nếu không thể giao tiếp, trò chuyện với khách hàng một cách rõ ràng và thoải mái thì cũng không thể đạt được mối quan hệ tốt, dẫn đến hiệu quả tập luyện trở nên kém đi.
4 lý do nên tập luyện với PT
Những lý do nêu trên hẳn cũng đã đủ thuyết phục chúng ta chọn một PT đồng hành trong quá trình đạt được mục tiêu sức khỏe. Nhưng nếu như điều đó vẫn chưa đủ, hãy xem thêm các lý do sau.
1. Tập luyện đúng kỹ thuật & phương pháp
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình đi tập hàng ngày mà vẫn không thể giảm cân hoặc tăng cân như mong muốn không? Hoặc có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi tập luyện thay vì cảm thấy sảng khoái, khỏe khoắn không? Lý do chính có thể là do bạn tập sai kỹ thuật hoặc không có phương pháp tập luyện đúng đắn.
PT là giải pháp của bạn. PT không chỉ lên kế hoạch tập luyện phù hợp với thể trạng, mục tiêu và sức khỏe của bạn mà còn giám sát kỹ các bài tập để đảm bảo bạn tập đúng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng xấu đến bất cứ bộ phận nào của cơ thể như khớp, cột sống…, không tác động hoặc làm tệ hại hơn bệnh trạng nếu có.
Không chỉ thế, PT còn lên kế hoạch để bạn đạt được mục tiêu sức khỏe như ngày nào tập gì. Bài tập của các ngày tác động, hỗ trợ qua lại như thế nào.
2. Giám sát quá trình kiểm soát mục tiêu ngoài phòng tập
Không chỉ tập luyện thông qua các bài tập, PT còn giám sát việc ăn uống, nghỉ ngơi của bạn. Tùy theo từng mục tiêu, từng thể trạng mà PT sẽ đề xuất chế độ ăn phù hợp để vừa đủ năng lượng cho cơ thể, vừa đạt mục tiêu sức khỏe.
Trong quá trình tập luyện, PT cũng sẽ theo dõi & giúp thay đổi các thói quen xấu để đảm bảo bạn đạt được kết quả tốt. Về ngắn hạn là để đạt mục tiêu, còn dài hạn là đang giúp bạn tập luyện một lối sống khỏe mạnh, tránh được bệnh tật.
3. Tạo động lực tập luyện
Nếu bạn chưa bao giờ tập luyện, một số lý do có thể là lười tập, không có động lực, không có bạn tập chung. PT lại sẽ giải quyết vấn đề này. Khi tập luyện, PT sẽ tập chung với bạn, động viên, khuyến khích để bạn hoàn tất bài tập và vượt qua giới hạn của bản thân. Đó không chỉ là yếu tố thành công của việc tập luyện, mà còn giúp bạn có thói quen vượt qua các khó khăn trong cuộc sống.
4. Cá nhân hóa
Lý do lớn nhất bạn nên tập luyện với PT chính là tính cá nhân hóa. PT thiết kế bài tập, lên kế hoạch tập luyện hoặc chế độ dinh dưỡng dành riêng cho bạn chứ không ai khác. Bạn xứng đáng được quan tâm, chăm sóc tốt.
5 dấu hiệu bạn nên kết thúc mối quan hệ với PT
Số tiền trả cho một giờ tập luyện riêng với PT không hề rẻ. Vì thế, hãy đảm bảo bạn được tập luyện một cách thoải mái, phù hợp và đạt được mục tiêu sức khỏe đã đề ra. Tuy nhiên, nếu bạn thấy một số dấu hiệu sau thì nên kết thúc với PT.
1. Không tiến triển
Việc đạt được mục tiêu sức khỏe đòi hỏi thời gian dài. Điều đó không có nghĩa là bạn tập từ tháng này qua năm khác. Nếu trong khoảng một hai tháng mà không thấy có sự thay đổi dù là nhỏ nhất, hãy ngưng tập luyện.
2. PT luôn nhìn vào điện thoại thay vì quan sát bạn
Trách nhiệm của PT là giám sát và theo dõi quá trình tập luyện của bạn. Nếu PT hay nhìn điện thoại, kiểm tra tin nhắn hay trả lời cuộc gọi, bạn hãy nhanh chóng kết thúc.
3. PT không lắng nghe bạn
Việc của PT là cá nhân hóa bài tập, chế độ dinh dưỡng cho bạn. Nếu bạn chia sẻ với PT một số vấn đề của mình mà PT làm ngơ, hoặc nghe nhưng vẫn không thay đổi bài tập cho phù hợp thì cũng không nên kéo dài “cuộc tình” này.
4. Sự nhiệt tình giảm bớt
Thời gian đầu, PT của bạn có thể rất nhiệt tình với việc tập luyện. Nhưng theo thời gian, sự nhiệt tình giảm bớt. Đó cũng là lúc bạn nên kết thúc với PT.
5. Giờ tập luôn bắt đầu trễ
Nếu các giờ tập luyện của bạn luôn bắt đầu trễ hơn kế hoạch hoặc PT dời thời gian luyện tập của bạn mà nguyên nhân không phải từ phía bạn, hãy bỏ ngay.
Tập với PT ở đâu?
Dịch vụ PT khá phổ biến hiện nay. Bạn có thể tìm đến các phòng tập lớn có nhiều trung tâm như Caliwow, Fit24, Elite Fitness, Nshape, các phòng tập đơn lẻ như Platinum Fitness, Getfit, Lan Anh hoặc các câu lạc bộ quận huyện. Tại hầu hết các câu lạc bộ, phòng tập này, bạn thường phải trả hai loại phí để được tập luyện: phí thành viên và phí tập luyện với PT.
Một lựa chọn khác bạn có thể xem xét là Fit House Studio, nơi bạn được miễn phí thành viên và chỉ phí PT.
“Cơm thêm”: Kể chuyện 365 ngày yêu